Đảm bảo chuỗi thủy sản – Tín hiệu xanh từ ngành tôm

Nội dung tin đăng Tướng quân Sơn

Là một trong những tỉnh có lợi thế sản xuất nguyên liệu thủy sản, Sóc Trăng luôn chú trọng khai thác và tạo điều kiện để các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này hoạt động hiệu quả.

Đảm bảo chuỗi thủy sản

Hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã phân vùng cấp độ rủi ro dịch bệnh và nới lỏng hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ðây là bước ngoặt quan trọng để hoạt động xuất khẩu thủy sản khu vực bứt phá trong những tháng cuối năm.

Ðể hiện thực hóa mục tiêu cao nhất về xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, trong đó có thủy sản, chính quyền và các doanh nghiệp vùng ÐBSCL đang tìm mọi cách để kết nối, duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh tình trạng “hẹp đầu vào” nhưng “rộng đầu ra”.

Tín hiệu mừng từ ngành tôm

Là một trong những tỉnh có lợi thế sản xuất nguyên liệu thủy sản, Sóc Trăng luôn chú trọng khai thác và tạo điều kiện để các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này hoạt động hiệu quả. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh đã thả nuôi 66.930 ha thủy sản, đạt 90,4% kế hoạch. Sản lượng 246.445 tấn, trong đó tôm nước lợ 49.141 ha, đã thu hoạch 32.345 ha, sản lượng đạt 142.478 tấn. Sản lượng thủy sản được tiêu thụ ổn định thông qua các nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo chuỗi thủy sản – Tín hiệu xanh từ ngành tôm

Hiện Sóc Trăng có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong đó 5 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến, xuất khẩu tôm, chiếm đến 75% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Sóc Trăng hiện đang dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản với kim ngạch đạt 740 triệu USD trong chín tháng, tăng 24% so cùng kỳ và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, ngay từ thời gian đầu thực hiện giãn cách, Sóc Trăng đã quan tâm thực hiện các phương án tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm thủy sản như kết nối chặt với Tổ 970 của Bộ NN và PTNT. Trong tỉnh, các địa phương thành lập các tổ đội thu hoạch, thu mua tại chỗ và thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết những khó khăn cho nông dân.

Tại Cà Mau, nơi được xem là vựa tôm lớn nhất của vùng và cả nước, trong hơn hai tháng giãn cách xã hội, giá tôm nguyên liệu mua tại ruộng giảm sâu. Trong đó, tôm sú loại 30 con/kg thu mua mức 180.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg khoảng 80.000 đồng/kg. Mức giá trên giảm từ 10 đến 20% so với điều kiện bình thường mọi năm.

Đảm bảo chuỗi thủy sản – Tín hiệu xanh từ ngành tôm

Nguyên nhân do thương lái cộng thêm chi phí test Covid-19 định kỳ cho người lao động và một số chi phí phát sinh khác. Ðến hết tháng 9/2021, diện tích nuôi tôm thâm canh ở Cà Mau đạt hơn 8.268 ha, với hơn 12.638 hộ nuôi. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 456.300 tấn, bằng 73,9% kế hoạch và tăng 3,8% so cùng kỳ. Trong đó, có 160.798 tấn tôm, bằng 71,5% kế hoạch, tăng 7,2% so cùng kỳ năm 2020.

Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Ðô đánh giá: Mặt bằng chung về thủy sản vẫn tăng là nhờ sản lượng những tháng đầu năm “kéo lại”. Tổng sản lượng tôm chế biến lũy kế trong chín tháng đầu năm 2021 được 128.354 tấn, đạt 84,4% kế hoạch, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Gần đây, các địa phương trong vùng đã áp dụng các biện pháp phòng dịch linh hoạt trong tình hình mới. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang đẩy mạnh các hoạt động sản xuất trở lại. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Cường (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) cho biết, hầu hết công nhân đã được huy động trở lại làm việc nhưng chỉ chạy được từ 30 đến 50% công suất vì không đủ nguyên liệu.

Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cùng chung khó khăn: Dư địa xuất khẩu tôm còn rất lớn nhưng các doanh nghiệp lo lắng trong những tháng tới không có đủ nguyên liệu để phục vụ chế biến. Vì thế, công ty ưu tiên cho các đơn hàng hiện có chứ chưa mạnh dạn nhận thêm hợp đồng mới với bên nhập khẩu.

Trong điều kiện dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nhưng giá tôm xuất khẩu tăng giúp doanh nghiệp bù lại phần nào chi phí logistics và các chi phí phòng, chống dịch Covid-19. Tuy doanh thu, lợi nhuận có thể ít hơn nhưng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đà xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm nhờ lợi thế mang lại từ các hiệp định thương mại mà nước ta tham gia như CPTPP, EVFTA…

Ðể tránh đứt gãy chuỗi nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu, các tỉnh trong vùng đang đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, khuyến cáo và vận động nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ thả tôm, không để tái diễn tình trạng treo đầm, treo ao.

Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi nhất trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh, tránh tình trạng “người mua giảm giá, người nuôi khó bán nhưng người dùng trả giá cao”. Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ Nguyễn Phương Lam khuyến nghị:

“Các địa phương trong vùng cần chủ động liên kết trong sản xuất tiêu thụ thủy sản để phát huy lợi thế của mỗi địa phương ở từng ngành hàng, chứ không cạnh tranh nhau. Vấn đề quan trọng lúc này là Hội đồng điều phối vùng cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” để điều phối, liên kết toàn vùng với nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.”

Qúy khách hàng có thể tham khảo thêm chi tiết các sản phẩm hỗ trợ nuôi tôm khoáng chất tự nhiên tại đây. Hay liên hệ số Hotline 0916 622 015 để được tư vấn và hỗ trợ.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top